VNAFS - khóa đào tạo chuyên gia - NHẬN THỨC CHUNG ISO / IEC 17025:2017https://vnafs.com/uploads/logo.png
Thứ ba - 08/10/2024 22:392010
Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone được tổ chức vào ngày 16/9 hằng năm nhằm tăng cường sự hiểu biết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, nâng cao nhận thức, truyền tải các thông điệp bảo vệ tầng ozone tới cộng đồng.
Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2024 được Ban Thư ký Ozone quốc tế lựa chọn chủ đề “Nghị định thư Montreal: Thúc đẩy hành động vì khí hậu”.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng qua (giai đoạn từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024) tiếp tục phá vỡ kỷ lục, cao hơn 0,76 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991 - 2020 và cao hơn 1,64 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1900.
Theo số liệu thống kê được Cơ quan Giám sát Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 7/7, tháng 6/2024 đã đánh dấu tháng thứ 12 liên tiếp nhiệt độ toàn cầu đạt mức tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900).
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong tháng 6/2024, nền nhiệt trái đất cao hơn so với bất kỳ tháng 6 nào trước đó ghi nhận trong hồ sơ dữ liệu, với nhiệt độ không khí bề mặt trung bình là 16,66 độ C.
Giám đốc C3S – ông Carlo Buontempo lưu ý: “Đây là tháng thứ 13 liên tiếp ghi nhận nền nhiệt ấm nhất so với các tháng tương ứng trong năm… Đây không chỉ là một sự kỳ lạ về mặt thống kê mà nó còn nêu bật một sự thay đổi lớn và đang diễn ra trong khí hậu của chúng ta”.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo nhiệt độ tăng thêm 1,5 độ C có thể khiến 70 - 90% các rạn san hô nhiệt đới bị chết, trong khi nhiệt độ tăng lên 2 độ C có thể xóa sổ hoàn toàn chúng. Các đại dương, bao phủ 70% bề mặt trái đất và hấp thụ 90% lượng nhiệt tăng thêm liên quan đến lượng khí thải làm khí hậu nóng lên, cũng đang đang đứng trước những nguy cơ nghiêm trọng.
Nửa đầu năm nay, trái đất ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục bao trùm nhiều khu vực trên thế giới, từ Ấn Độ và Saudi Arabia đến Mỹ và Mexico. Nắng nóng gay gắt gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe con người. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, như mưa không ngừng gây lũ lụt trên diện rộng ở Kenya, Trung Quốc, Brazil, Afghanistan, Nga và Pháp… được cho là có liên quan đến sự nóng lên của hành tinh. Cháy rừng đã tàn phá các vùng đất ở Hy Lạp và Canada, trong khi Beryl đã trở thành cơn bão Đại Tây Dương cấp 5 sớm nhất được ghi nhận khi nó quét qua một số hòn đảo ở Caribe.
Tại Việt Nam, năm 2024 với 50/63 tỉnh, thành ghi nhận nhiệt độ kỷ lục trong tháng và 29 tỉnh, thành ghi nhận nhiệt độ kỷ lục của năm, tháng 4/2024 trở thành tháng 4 nóng nhất lịch sử tính từ năm 1980.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nhiệt độ trung bình tháng 1 đến tháng 3/2024 tại các khu vực trên cả nước đều cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C.
Trong tháng 4/2024, tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nhiệt độ cao từ 3,1-3,6 độ C so với trung bình các năm, các khu vực khác cao hơn từ 1,6-2,4 độ C. Xét trên toàn quốc, tháng 4/2024 trở thành tháng 4 nóng nhất trong lịch sử tính từ năm 1980 (so sánh riêng tháng 4).
Nỗ lực loại bỏ dần các chất làm suy giảm tầng ozone
Năm 1979, các nhà khoa học mới bắt đầu hiểu được những thiệt hại tiềm tàng do sự suy giảm tầng ozone gây ra. Các nhà khoa học càng lo lắng hơn khi thấy lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực mở rộng từ 1,1 triệu km2 vào năm 1979 lên đến 22,4 triệu km2 năm 1987. Chính phủ các quốc gia đã quyết tâm hợp tác để cùng nhau bảo vệ, khôi phục tầng ozone, cùng nhau đưa ra một kế hoạch dài hạn để loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozone, làm giảm tốc độ mở rộng của lỗ thủng tầng ozone.
Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2024 được Ban Thư ký Ozone quốc tế lựa chọn chủ đề “Nghị định thư Montreal: Thúc đẩy hành động vì khí hậu”.
Năm 1987, Nghị định thư Montreal ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/1/1989. Đây là một hiệp ước quốc tế được thiết kế để bảo vệ tầng ozone bằng biện pháp loại bỏ hoạt động sản xuất tạo ra các chất thải làm suy giảm tầng ozone.
Năm 2016, Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal được thông qua, thể hiện cam kết của cộng đồng quốc tế trong việc cắt giảm dần các chất hydrofluorocarbon (HFC) nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu (0,5 độ C) vào cuối thế kỷ này và hy vọng sẽ đạt mục tiêu gấp đôi nếu được triển khai cùng với các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Sau hành trình hơn 30 năm thực hiện, Nghị định thư Montreal đã đóng góp đáng kể trong việc hàn gắn lỗ thủng tầng ozone, ngăn ngừa những hệ lụy tác động đến sức khỏe con người và các hệ sinh thái trên hành tinh. Nếu không thực hiện Nghị định thư Montreal, thiệt hại đối với động thực vật và con người đã gia tăng nghiêm trọng, tỷ lệ ung thư da sẽ tăng lên trên toàn thế giới. Dự báo, đến năm 2065, lượng bức xạ tia cực tím dẫn đến đột biến ADN có thể tăng lên 500%, khoảng 2/3 tổng lượng ozone trên thế giới có thể biến mất, nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2,5°C vào cuối thế kỷ này.
Bên cạnh những nỗ lực loại trừ thành công các chất làm suy giảm tầng ozone theo mục tiêu đề ra, chúng ta đang phải đối mặt với thách thức mới gắn với xu hướng gia tăng sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao (các chất HFC), là những chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozone trong các lĩnh vực liên quan như sản xuất điều hòa không khí, xốp, thiết bị lạnh, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị lạnh, mỹ phẩm, dập cháy...
Hành động để bảo vệ tầng ozone
Theo Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh những nỗ lực loại trừ thành công các chất làm suy giảm tầng ozone, con người đang phải đối mặt với thách thức mới gắn liền với xu hướng gia tăng sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao - các chất HFC, là những chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozone trong các lĩnh vực liên quan như sản xuất điều hòa không khí, xốp, thiết bị lạnh, lĩnh vực sửa chữa bảo dưỡng thiết bị lạnh, mỹ phẩm, dập cháy...
Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone (CFC, Halon, CTC, HCFC, Methyl Bromide), chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC).
Một trong những bước tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý bảo vệ tầng ozone là việc nội luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ozone tại Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật gồm Nghị định số 6/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Từ năm 2024, Việt Nam sẽ bắt đầu lộ trình quản lý, loại trừ các chất HFC (môi chất lạnh có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu cao).
Nghị định đã đề ra các nội dung cơ bản về lộ trình quản lý, loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam thực hiện Nghị định thư Montreal; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chất được kiểm soát; quy định nguyên tắc quản lý và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong quản lý các chất được kiểm soát. Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, các chất làm suy giảm tầng ozone được kiểm soát bao gồm Bromochloromethane, Carbon tetrachloride (CTC), Chlorofluorocarbon (CFC), Halon, Hydrobromofluorocarbon (HBFC), Hydrochlorofluorocarbon (HCFC), Methyl bromide, Methyl chloroform.
Đáng chú ý, Nghị định đã quy định tổ chức sản xuất, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát; sở hữu thiết bị có chứa các chất được kiểm soát, “bắt buộc thực hiện thu gom các chất được kiểm soát khi không còn sử dụng trong thiết bị, sản phẩm từ ngày 1/1/2024.”
Cũng theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trước ngày 31/12/2023.
Nội dung chính của Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát bao gồm đánh giá hiện trạng sử dụng, quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát; dự báo xu hướng thay đổi; mục tiêu, lộ trình, chỉ tiêu của kế hoạch; loại và tổng lượng các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo giai đoạn và theo lĩnh vực sử dụng; biện pháp quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát; giải pháp hợp tác, chia sẻ thông tin; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, các bên liên quan trong tổ chức thực hiện, triển khai kế hoạch.
Đồng thời, để triển khai đồng bộ các giải pháp từ nay đến năm 2045, ngày 11/6/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát tại Quyết định số 496/QĐ-TTg. Nếu thực hiện theo lộ trình, đến năm 2045 Việt Nam sẽ giảm phát thải hơn 11 triệu tấn CO2 tương đương từ việc loại trừ các chất được kiểm soát, chưa kể đến lượng giảm phát thải đạt được thông qua những nỗ lực chuyển đổi công nghệ theo hướng thân thiện với khí hậu và các hoạt động tái chế, tái sử dụng các chất được kiểm soát, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hưởng ứng Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2024 và kỷ niệm 30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như tổ chức hội thảo, xây dựng phóng sự, tổ chức sự kiện giao lưu với sinh viên nhằm nâng cao nhận thức về quản lý, loại trừ các chất được quản lý theo Nghị định thư Montreal tại Việt Nam; tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan để nâng cao năng lực, nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng và những lựa chọn công nghệ thay thế, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao, qua đó ghi nhận những thành tựu đã đạt được và hướng tới tương lai để có những hành động mạnh mẽ hơn về bảo vệ tầng ozone, bảo vệ sự sống và khí hậu trên hành tinh của chúng ta./.