VNAFS - khóa đào tạo chuyên gia - NHẬN THỨC CHUNG ISO / IEC 17025:2017https://vnafs.com/uploads/logo.png
Thứ năm - 13/06/2024 09:562280
Ngày 13/6, tại Khu Hội chợ Triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại (số 489, đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), diễn ra Lễ Khai mạc Phiên chợ Nông sản, Đặc sản vùng miền với chủ đề “Tuần lễ quảng bá các sản phẩm nông sản, trái cây chất lượng cao”.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, thông qua phiên chợ, nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất lĩnh vực nông nghiệp phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường, hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước với phương châm vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam"; Tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông, lâm, thủy sản sạch, an toàn; Tạo cầu nối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa sản xuất với tiêu thụ.
Phiên chợ thu hút trên 70 gian hàng đến từ các hợp tác xã, doanh nghiệp, Hội Nông dân ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước, với đa dạng các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản được sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến; Các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP đã được xếp hạng và nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản nổi tiếng.
Đặc biệt, đến với phiên chợ, khách tham quan sẽ được mua sắm, trải nghiệm các loại trái cây đặc sản chất lượng cao theo mùa vụ từng vùng như: Sầu riêng, nho Hạ Đen, bơ, mãng cầu Đắk Nông; mận Mộc Châu; dưa lưới Tuyên Quang; mận Tam Hoa, xoài Úc Bắc Hà, dứa Bản Lầu - Lào Cai, Thanh long ruột đỏ Vĩnh Phúc...
Nổi bật tại Phiên chợ, gian hàng sầu riêng thu hút đông đảo người tiêu dùng tham quan mua sắm nhất. Gian hàng thu hút với chương trình "Kết nối nông sản – Trạm sầu yêu thương". Đây là chương trình thúc đẩy tiêu dùng nông sản sầu riêng tại thị trường nội địa đã tham gia vào chương trình với các hình thức như bán hàng Livestream nhằm quảng bá sầu riêng tươi và các sản phẩm chế biến từ sầu riêng. Chương trình được triển khai dưới sự tư vấn chiến lược của các công ty là Công ty CP tư vấn Công nghệ Enviva, Công ty Cổ phần Dukruco và công ty cổ phần FiveF.
Bà Nguyễn Thị Xuyến - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn công nghệ Enviva – cho hay, chương trình “Kết nối nông sản – Trạm sầu yêu thương” là chương trình kết nối nhà vườn với người tiêu dùng nội địa. Thúc đẩy tiêu thụ sầu riêng trong nước giúp nhà vườn yên tâm phát triển sản xuất, người dùng được thưởng thức các trái sầu riêng chất lượng với giá thành hợp lý. Điều này giúp thị trường nông sản sầu riêng phát triển bền vững. Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa giúp giảm rủi ro do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu.
“Chương trình “Kết nối nông sản – Trạm sầu yêu thương” đã ứng dụng công nghệ nghiên cứu và xây dựng hệ sinh thái sản phẩm chế biến từ sâu riêng chia thành 4 loại sản phẩm chính: trái sầu riêng tươi, đồ ăn nhẹ, món tráng miệng và đồ uống. Từ chiến lược này chương trình đã chính thức tham gia vào thị trường chế biến các sản phẩm từ sầu riêng có thị phần trong các danh mục khách món tráng miệng, đồ ăn nhẹ và đồ uống có giá trị hơn 275 tỷ USD hàng năm chỉ riêng ở thị trường châu Á”, bà Nguyễn Thị Xuyến cho hay.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Xuyến, chương trình "Kết nối nông sản – Trạm sầu yêu thương" nằm trong khuôn khổ hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, đặc sản của các địa phương gắn với mùa vụ từng vùng theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp với siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại các thành phố lớn trong cả nước. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền, sản phẩm chủ lực của các địa phương, từ đó góp phần tác động tích cực đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, đặc sản theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững, áp dụng công nghệ cao. Tham gia hội chợ lần này, với mong muốn người tiêu dùng được thưởng thức những sản phẩm đặc sản như sầu riêng với giá hợp lý và chất lượng cao. Trong quá trình vận chuyển, công ty luôn sử dụng bao bì phù hợp để bảo vệ trái cây trong quá trình vận chuyển, tránh các va đập mạnh và bảo quản ở kho lạnh đảm bảo chất lượng sầu đến tay người tiêu dùng ngon nhất.
Nhiều người tiêu dùng cho biết, đến với Phiên chợ đặc biệt ấn tượng với các gian hàng sầu riêng. Giá cả phải chăng, thậm chí, một số gian hàng còn khuyến mại ngay trong ngày đầu khai mạc nên yên tâm khi mua được sầu ngon, giá tốt.
Giám đốc Nguyễn Minh Tiến cho hay: “Hiện nay, chúng ta đã xuất khẩu rất nhiều sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, nhưng để tạo ra nền tảng thị trường ổn định, bền vững, bên cạnh thị trường xuất khẩu, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng cần được chú trọng. Để người dân các tỉnh phía Bắc cũng được trải nghiệm và sử dụng trái sầu riêng. Tại Phiên chợ lần này, chúng tôi muốn hướng tới giới thiệu tập trung nhóm sản phẩm sầu riêng. Trong đó, cùng với sầu riêng tươi, các sản phẩm sầu riêng đông lạnh và các sản phẩm giá trị gia tăng từ sầu riêng như bánh bao hay bánh Trung thu nhân sầu riêng cũng được giới thiệu tại Phiên chợ
Cơ hội kết nối, quảng bá sản phẩm
Phát biểu tại phiên chợ, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có trên 70 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, có trên 1.700 cơ sở chế biến sâu nông sản thực phẩm với chủng loại phong phú, đa dạng. Phát triển 159 chuỗi sản xuất, chế biến, cung ứng sản phẩm an toàn, 393 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Số lượng sản phẩm OCOP của thành phố chiếm khoảng 20% sản phẩm OCOP của cả nước, với 2.714 sản phẩm OCOP, trong đó, có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm đạt 4 sao, 1.223 sản phẩm đạt 3 sao. Thành phố có 327 làng nghề truyền thống trên địa bàn 24 quận, huyện trong đó 70 làng nghề về thực phẩm.
Trên địa bàn thành phố có 29 Trung tâm thương mại, 130 siêu thị, 453 chợ, hơn 2000 cửa hàng tiện ích, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện thị xã, 268 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các kênh bán hàng đa phương tiên.
Hôm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội phối hợp tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của thành phố.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, tiếp cận với công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường. Nhất là việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm chủ lực của thành phố, sản phẩm đặc sản của địa phương, sản phẩm OCOP...