Nuôi cá lăng nha theo tiêu chuẩn VietGAP

Thứ bảy - 27/04/2024 05:50 348 0
Khai thác tiềm năng nguồn nước, phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình “Nuôi cá lăng nha trong lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại huyện Quỳnh Nhai, mô hình hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích.
 
Mô hình nuôi cá lăng nha lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP tại bản Pá Uôn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai.
Mô hình nuôi cá lăng nha lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP tại bản Pá Uôn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai.
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các xã Chiềng Ơn và Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, khảo sát, lựa chọn 2 hộ có kinh nghiệm, đủ khả năng về nhân lực, lồng bè để tham gia mô hình. Với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng; trong đó, nhà nước hỗ trợ 70%, mỗi hộ được cấp hơn 1.000 con giống, trọng lượng gần 1,5 tấn và 20 tấn thức ăn hỗn hợp, hóa chất, chế phẩm sinh học, cùng các vật tư thiết yếu; hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra, giám sát mô hình, đánh giá chứng nhận VietGAP.

Với kinh nghiệm gần 10 năm nuôi cá lồng, gia đình ông Điêu Chính Thọ, bản Pá Uôn, xã Mường Giàng được lựa chọn thực hiện mô hình. Ông Thọ chia sẻ: Gia đình đang nuôi 24 lồng cá lăng nha, lăng đen, vì vậy, khi triển khai mô hình, gia đình không gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, hơn 1.000 con cá lăng nha được cấp, tỷ lệ sống đạt 90%. Tham gia mô hình, chúng tôi còn được tư vấn, hướng dẫn thực hành quy trình nuôi an toàn, có sổ nhật ký chăm sóc, phòng bệnh cho cá.

Còn ông Quàng Văn Cường, bản Đồng Tâm, xã Chiềng Ơn, chia sẻ: Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn hỗ trợ xây dựng mô hình, sau khi tiếp nhận hơn 1.000 con cá giống và được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, gia đình chủ động các biện pháp phòng, trừ dịch bệnh, áp dụng quy trình nuôi an toàn. Cuối năm 2023, gia đình được cấp chứng nhận nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP. Việc tham gia mô hình theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá an toàn ở địa phương, mở ra nhiều cơ hội phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho gia đình.

Ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Đến nay, 2 hộ tham gia mô hình đã được cấp chứng nhận cơ sở nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây sẽ là mô hình trình diễn, để các hộ nuôi cá lồng địa phương tham quan học tập kinh nghiệm và các hộ tham gia mô hình tiếp tục chuyển giao, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lăng nha theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ dân tại địa phương; từng bước nhân rộng mô hình ra cộng đồng, tạo việc làm, thu nhập cho các hộ dân vùng lòng hồ.

Hiện nay, huyện Quỳnh Nhai duy trì 256 ha mặt nước nuôi thủy sản, với hơn 4.000 lồng cá. Tổng sản lượng nuôi và khai thác thủy sản toàn huyện đạt hơn 1.800 tấn/năm; trong đó, sản lượng thủy sản nuôi hơn 1.200 tấn/năm. Huyện Quỳnh Nhai đang đẩy mạnh các hoạt động thương mại, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích các hộ nuôi cá lồng áp dụng quy trình nuôi thủy sản an toàn sinh học, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc xây dựng thành công mô hình “Nuôi cá Lăng nha trong lồng bè” đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế và du lịch sinh thái vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây