VNAFS - khóa đào tạo chuyên gia - NHẬN THỨC CHUNG ISO / IEC 17025:2017http://vnafs.com/uploads/logo.png
Thứ năm - 02/05/2024 22:161880
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ có liên kết theo chuỗi giá trị là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, sản xuất theo hướng hữu cơ giúp tạo ra những sản phẩm tốt, chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Nông nghiệp hữu cơ là quá trình sản xuất nhằm bảo đảm hệ sinh thái bền vững, tạo ra thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt do không sử dụng hóa chất. Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết chính là chìa khóa giúp hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi với sự liên kết ngang và liên kết dọc, trong đó liên kết ngang giữa nông dân với nông dân, hợp tác xã với hợp tác xã, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và liên kết dọc giữa nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam Đào Thanh Vân cho rằng: "Các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng sẽ giúp giảm chi phí đầu tư đất đai, nhà xưởng, máy móc nên rút ngắn được thời gian hoàn vốn. Thông qua liên kết, doanh nghiệp sẽ kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm thu mua và có nguồn cung ổn định. Các tổ chức, cá nhân khi tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng sẽ bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, giảm rủi ro về giá cả. Bên cạnh đó, người sản xuất tiếp cận tốt hơn với công nghệ sản xuất mới, nguồn tín dụng…".
Hiện cả nước có 62 địa phương thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ với diện tích hàng trăm nghìn héc-ta. Hơn 7.000 nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ, 60 đơn vị kinh doanh, phân phối, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ...; kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 350 triệu USD/năm. Hiện có 20 đơn vị xuất khẩu rau, quả, cà-phê, gạo, hạt điều, hồ tiêu, đạt sản lượng 260 nghìn tấn/năm với thị trường chính là: Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan…
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã xây dựng một số mô hình liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trong đó, mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại các địa phương như: Sơn La, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế với quy mô 570 ha. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ đã được nhân rộng lên 1.710 ha và đã hình thành chín hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới góp phần gắn kết giữa ba nhà: Nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học; giá thu mua lúa cao hơn giá thị trường từ 1.200 đến 1.500 đồng/kg, hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất thông thường 5,3 triệu đồng/ha. Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ với quy mô 125 ha ở các địa phương là: Hà Nội, Hòa Bình, Lâm Đồng và Đồng Nai, hiệu quả kinh tế thông qua liên kết tăng từ 22 đến 156%...
Việt Nam có 11,3 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, diện tích sản xuất hữu cơ mới hơn 170 nghìn, điều này cho thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở nước ta còn rất lớn khi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm này ở trong nước và thế giới ngày càng tăng lên.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, hiện nay, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn gặp những thách thức do thói quen sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học; sản xuất nông nghiệp hữu cơ manh mún, diện tích ít, chưa tập trung; chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về chuỗi khép kín trong sản xuất, chế biến hữu cơ cho nên nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc; tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ ít về số lượng cũng như quy mô…
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam Đào Thanh Vân, hiện nay người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều và hiểu sâu về nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ. Vì vậy, chưa tồn tại hay hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ và chưa khuyến khích các tác nhân tham gia chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; danh mục đầu vào được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa được ban hành, dẫn đến mối liên kết trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, nhất là ở khâu cung ứng vật tư, bảo đảm sản phẩm có chất lượng theo tiêu chuẩn.
Nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng các cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ lực, có lợi thế; phát triển đa dạng các mô hình sản xuất hữu cơ có liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ tìm kiếm thông tin, nhu cầu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tăng cường hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế để thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.
Mặt khác, cần xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung tạo ra hàng hóa quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính; xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; ứng dụng công nghệ cao để chế biến sâu, tinh chế tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị cao mang thương hiệu; tăng cường công tác đào tạo chuyên gia chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ ở cả Trung ương và địa phương…