VNAFS - khóa đào tạo chuyên gia - NHẬN THỨC CHUNG ISO / IEC 17025:2017http://vnafs.com/uploads/logo.png
Thứ năm - 20/06/2024 23:322930
Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam - ông Nguyễn Việt Thắng vừa chủ trì cuộc họp đánh giá hoạt động của Hội Thủy sản Việt Nam trong 3 tháng gần đây và một số nhiệm vụ trong thời gian tới; thảo luận về việc thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội.
Cuộc họp có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng ban Phát triển Thủy sản bền vững; Trưởng các Ban chuyên môn, Ban Kiểm tra, Văn phòng Hội,…
Báo cáo về một số hoạt động của Hội từ tháng 3 đến nay, ông Hoàng Đình Yên, Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam cho biết, Hội Thủy sản Việt Nam đã có nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực góp phần vào sự phát triển chung của ngành thủy sản Việt Nam.
Hội đã có văn bản gửi Liên đoàn hợp tác xã thủy sản Nhật Bản “Về việc hợp tác Thủy sản giữa Nhật Bản và Việt Nam” với các nội dung: Chuyển giao công nghệ và đào tạo sử dụng tàu vỏ composite, công nghệ khai thác đánh bắt thủy sản, công nghệ cấp đông, làm lạnh và bảo quản thủy sản, giao lưu nguồn nhân lực, viện trợ, bàn giao tàu vỏ thép, tàu vỏ composite dư thừa từ Nhật Bản…
Cũng trong Quý 2, Hội đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn cho tàu cá sản xuất trên biển bị tai nạn; Tổ chức Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành Tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 và Diễn đàn về thủy sản trong khuôn khổ Hội chợ tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau.
Đồng thời, Hội Thủy sản Việt Nam cũng có văn bản hướng dẫn, đề nghị Hội Thủy sản, Hội Nghề cá các tỉnh, thành phố, các hiệp hội thành viên và hội viên tập thể của Hội, các Ban, đơn vị trực thuộc Hội tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam; Tham dự hội nghị công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2030 – 2050; Tham dự hội thảo tham vấn hoàn thiện bộ công cụ khảo sát thuộc nhiệm vụ “Đánh giá lao động trẻ em trong lĩnh vực thủy sản tại Việt Nam”,…
Trên cơ sở đó, ông Hoàng Đình Yên đã đề xuất một số công việc trọng tâm của Hội từ nay đến hết quý II, gồm: Tiếp tục nghiên cứu, tham gia thực hiện các hoạt động của ngành, trọng tâm là Hội tham gia vào thực hiện công tác Đồng quản lý của ngành thủy sản năm 2024; Kiến nghị với Bộ NN&PTNT thí điểm giao cho Hội quản lý cảng cá Cát Lở, Khu Đá Tây – xây dựng văn bản và phương án báo cáo với Bộ NN&PTNT; Phối hợp với Cục Kiểm ngư và Cục Thủy sản xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai đồng quản lý nghề cá; Chuẩn bị họp Ban thường vụ mở rộng, sơ kết hoạt động 6 tháng năm 2024 (dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới); Hội tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới hoạt động, trước mắt là xây dựng phương án tổ chức để thực hiện thí điểm. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Hội đã được các đại biểu thảo luận trong nhiều cuộc họp trước đó.
Cuộc họp cũng đã dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận về việc phân bổ nhiệm vụ, chức năng của từng Tiểu ban nhằm hướng tới sự chuyên nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Thủy sản Việt Nam trong thời gian tới; Đề xuất ý kiến để triển khai nhiệm vụ đồng quản lý nghề cá, cảng cá, một số mô hình quản lý thông minh có thể tham khảo từ quốc tế,…
Đánh giá cao tinh thần tham gia đóng góp, xây dựng từ các hội viên, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam - ông Nguyễn Việt Thắng khẳng định thời gian tới, Hội cần phải có sự đổi mới, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa để tạo ra sự đồng thuận, cùng đưa ngành thủy sản Việt Nam phát triển.
“Hội Thủy sản Việt Nam rất cần sự đổi mới, điều này đúng với quan điểm, tinh thần mà Đại hội Ban chấp hành Hội đã đặt ra. Muốn thực hiện tốt điều đó thì cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên, đơn vị. Hội Thủy sản Việt Nam cam kết thực hiện theo đúng tinh thần đồng quản lý của Bộ, và phải dựa vào cộng đồng ngư dân để thực hiện cho hiệu quả”, ông Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh.