Phát triển kinh tế xanh – thực tiễn và giải pháp cho các địa phương

Thứ hai - 08/07/2024 22:39 145 0
Để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, định hướng phát triển, trong đó có Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”.
 
Phát triển nông nghiệp xanh: Thực trạng và giải pháp

Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường, đặc biệt là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, như: Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ cacbon...

Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản nhằm hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ về việc quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ô-dôn; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị Khí hậu COP 26 (diễn ra từ ngày 31/10 đến 13/11/2021 tại thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh), Việt Nam đã gây ấn tượng với cam kết đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0, nâng tỉ lệ năng lượng tái tạo trên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp và tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 43%, đã thể hiện mục tiêu mạnh mẽ của nước ta về tái cơ cấu mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển kinh tế xanh bền vững.

Thực tiễn tại tỉnh Thái Nguyên về phát triển kinh tế xanh

Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của tỉnh như:
- Tập trung cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh liên kết vùng;

- Tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc; quy hoạch hệ thống đô thị Thái Nguyên theo hướng phân bổ hợp lý giữa các vùng, kết nối thuận lợi với hệ thống đô thị vùng đồng bằng Bắc Bộ; kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, thân thiện với môi trường, dẫn dắt đổi mới sáng tạo và là động lực tăng trưởng kinh tế.

- Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực, các nhà đầu tư đến với tỉnh, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp với các nhóm ngành có tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: Công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến khoáng sản, nông, lâm sản gắn với kiểm soát và bảo vệ môi trường.

- Tận dụng các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, công nghiệp sạch.

- Phát triển ngành xây dựng đủ sức thiết kế, thi công các công trình xây dựng trong các lĩnh vực theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có chính sách thu hút đầu tư hiện đại hóa ngành xây dựng, sử dụng vật liệu mới, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ xây dựng hiện đại.

- Sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý rừng bền vững, trong đó đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu.

- Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ; đa dạng các hình thức thu hút đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư có tiềm lực và chiến lược đầu tư dài hạn, tạo sự lan tỏa. 

Thực hiện Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 1718/QĐ-UBND ngày 21/7/2023.

Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Thái Nguyên đã cụ thể hóa những quan điểm, mục tiêu, định hướng, những giải pháp thực hiện Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 và Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, đoàn thể và Nhân dân trong tỉnh góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia.

Kế hoạch đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh gắn kết chặt chẽ với những chủ trương, định hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Chương trình hành động của Chính phủ.

Để đẩy mạnh triển khai thực hiện quy định về giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với Biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng Ô-dôn theo quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên có Văn bản số 2027/UBND-CNN&XD ngày 24/4/2024, Văn bản số 2270/UBND-CNN&XD ngày 09/5/2024 chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động thích ứng với Biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện các giải pháp giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng với Biến đổi khí hậu trong phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực theo quy định tại khoản 4 Điều 90 Luật Bảo vệ môi trường; kiểm tra việc thực hiện các hoạt động có liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 6 Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường; triển khai các giải pháp kiểm soát hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng Ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính theo quy định tại khoản 4 Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường, thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ cacbon…

Trước đó, từ năm 2012, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu tại Quyết định số 1013/QĐ-UBND ngày 18/5/2012; Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu đối với các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được phê duyệt tại Quyết định số 2643/QĐ-UBND ngày 17/11/2024; Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 4229/QĐ-UBND ngày 31/12/2020.

Về thúc đẩy phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh, ngày 17/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về quản lý và thúc đẩy phát triển cây xanh đô thị, Văn bản số 1462/UBND-CNN&XD ngày 06/4/2023 về tăng cường quản lý, đầu tư xây dựng công viên, cây xanh trong các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Mục tiêu tăng trưởng xanh đến năm 2030 của tỉnh Thái Nguyên

Kế thừa những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chiến lược 2011-2020 và các quan điểm đã được xác định tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các nhiệm vụ được xác định trong Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tỉnh Thái Nguyên xác định mục tiêu thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2030: "Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu".

Về các mục tiêu cụ thể:

1. Xanh hóa các ngành kinh tế:
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao Chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: Tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 giảm từ 1,0 - 1,5%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15 - 20%; kinh tế số đạt trên 30% GRDP; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức từ 46% trở lên; ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

2. Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững
Xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 90-95%; tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35%; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng thông minh, bền vững, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu

Nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,75 (đạt mức cao); triển khai hiệu quả Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt 100%.

Một số đề xuất phát triển kinh tế xanh

Để phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước một cách toàn diện, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái cho tương lai, tỉnh Thái Nguyên đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, các chính sách về môi trường cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới; hệ thống thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường cần được tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh và hoàn thiện...; có chế tài đảm bảo cho các sản phẩm mang nhãn hiệu Made in Việt Nam không vi phạm các quy định về ô nhiễm môi trường, khí hậu. Tăng cường tổ chức các hội thảo, diễn đàn khoa học để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về phát triển kinh tế xanh.

Hai là, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (được viết tắt là NDC)[1]. Các chủ doanh nghiệp căn cứ ngành nghề sản xuất, sớm chủ động nghiên cứu về tín chỉ các-bon, thị trường các-bon để tham gia giảm thiểu việc phát thải khí nhà kính, bảo vệ bầu khí quyển.

Ba là, cần đẩy nhanh hơn nữa về chính sách thuế carbon trong xu hướng phát triển kinh tế xanh. Tại Việt Nam, thuế carbon là một thuật ngữ khá mới mẻ, đây là một công cụ quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn. Việc đánh thuế carbon là giải pháp hiệu quả để giảm lượng phát thải khí CO2 ở mỗi quốc gia. Cùng với đó, việc thu thuế carbon góp phần gia tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, Chính phủ có thể sử dụng nguồn thu này để đầu tư trở lại cho việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính và phát thải khí CO2.

Bốn là, đổi mới tư duy trong nhận thức về bảo vệ môi trường trong mỗi hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục về môi trường từ sớm là việc làm trọng yếu, từ đó có những hành động thiết thực trong công tác phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống biến đổi khí hậu..., góp phần nâng cao tính hiệu quả của các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động mà Chính phủ đã đề ra.

Năm là, tăng cường giao lưu, hợp tác với cộng đồng quốc tế, các quốc gia có nhiều kinh nghiệm về phát triển kinh tế xanh là điều rất cần thiết. Thông qua mối quan hệ với cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ về khoa học và công nghệ, đồng thời thúc đẩy việc huy động nguồn vốn đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh (mô hình khu công nghiệp xanh và tự động hóa, phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng xanh và sạch,…), giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu, không ngừng cải thiện và đảm bảo chất lượng môi trường sống cho người dân./.

[1] Tín chỉ Carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Nó đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 vào bầu khí quyển.

- Tín chỉ Carbon là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác. Mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ carbon là giảm lượng khí thải carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
- Tín chỉ Carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây